Lượt xem: 687

Sóc Trăng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản khai thác

Với lợi thế lớn khi có ngư trường đánh bắt tại khu vực Biển Đông, bên cạnh nghề nuôi, thì nghề khai thác thủy, hải sản cũng phát triển mạnh tại tỉnh Sóc Trăng trong nhiều năm qua. Sản lượng từ thủy sản khai thác hiện đang đóng góp không nhỏ cho kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh. Tuy vậy, ngành nghề này hiện đang tồn tại nhiều khó khăn, bởi một trong những khuyến nghị về cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) là tàu cá chỉ được phép ra khơi đánh bắt khi đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Xác định rõ thực hiện tốt việc quản lý an toàn thực phẩm cho tàu cá cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm chung tay cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng”, thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên tổ chức kiểm tra, thẩm định để vừa chấp hành tốt khuyến nghị đề ra, vừa góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản khai thác của tỉnh nhà.  

    Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 750 km chiều dài bờ biển với 22 cửa sông, cửa lạch và hơn 800.000 ha bãi triều. Từ đặc điểm địa hình này, nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản ở ĐBSCL đã trở thành một nghề truyền thống, không ngừng thay đổi và phát triển. Với nguồn lợi thủy, hải sản phong phú được thiên nhiên ưu đãi và nguồn lao động dồi dào, vùng ĐBSCL hiện được xem là một trong những vựa thủy sản lớn của cả nước, thủy sản là nguồn sinh kế quan trọng của khoảng 17 triệu dân sinh sống ở 13 tỉnh, thành phố trong vùng. Riêng với tỉnh Sóc Trăng, sau 30 năm tái lập tỉnh, cùng với sự phát triển vượt bậc về diện tích nuôi trồng thủy sản, lĩnh vực khai thác, đánh bắt thủy sản cũng có bước phát triển mạnh mẽ với sản lượng thủy sản khai thác đạt gần 70 ngàn tấn mỗi năm. Từ đó cho thấy tiềm năng, lợi thế, giá trị tạo ra từ ngành thủy sản có đóng góp quan trọng, giữ vai trò quyết định đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và sự phát triển của ngành thủy sản cả nước nói chung. Dù vậy, xuất khẩu thủy sản của tỉnh cũng như nhiều tỉnh, thành ven biển nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do những yêu cầu ngày càng gắt gao của thị trường về vấn đề an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản khai thác, đánh bắt.

    Trước đây, người tiêu dùng chỉ cần thấy con cá, tôm, mực còn tươi, nguyên là cho rằng đạt yêu cầu và yên tâm mua về chế biến các món ăn cho gia đình. Ngày nay, yêu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản khai thác đều rất khắt khe, do ý thức về vấn đề bảo vệ sức khỏe ngày càng cao. Để sản phẩm thủy sản khai thác rộng đường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 01 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số thông tư thủy sản, quy định hồ sơ kiểm tra tàu cá rời cảng phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, nếu không tàu cá sẽ không được ra khơi khai thác. Không chỉ vậy, Nghị định 115 của Chính phủ cũng quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với tàu cá không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là từ 30 - 40 triệu đồng. Theo Thông tư số 38/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, tất cả tàu cá có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên phải được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Với các quy định cụ thể rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật nói trên, thời gian qua Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã quyết liệt triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện các quy định để được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. 

Sản phẩm thuỷ sản khai thác được rửa sạch trước khi mang lên bờ tiêu thụ.

    Để được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trên tàu cá, các tàu cá khi hoạt động đảm bảo tuân thủ đầy đủ 10 nhóm chỉ tiêu, gồm: Thiết bị làm lạnh trên tàu cá phải có công suất đủ mạnh để giữ hải sản ở nhiệt độ thích hợp và ổn định, có nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ. Hầm bảo quản hải sản được làm bằng vật liệu chống ăn mòn, không độc, cấu trúc chắc chắn, được bọc cách nhiệt, có nắp đậy, không ngấm nước, dễ vệ sinh, khử trùng, sạch sẽ. Ngoài ra, hải sản sau khi đưa ra khỏi tủ cấp đông phải được bao gói và đưa ngay vào kho lạnh bảo quản. Trong kho lạnh, hải sản phải được kê xếp theo từng lô riêng biệt, ghi chép rõ vị trí và ngày, tháng bảo quản. Khu vực vệ sinh của thuyền viên phải được bố trí cách ly với khu vực xử lý, bảo quản hải sản. Ngư dân trên tàu cá phải được khám sức khỏe định kỳ, trang bị bảo hộ lao động phù hợp. Thuyền viên, lao động nghề cá phải được phổ biến kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm. 
Ngư dân Trịnh Minh Thuận ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề cho biết:“Các nhóm chỉ tiêu này nhằm đảm bảo chất lượng cho sản phẩm của mình nên tôi nghiêm túc chấp hành. Trước khi ra khơi tôi cung cấp nước đá đầy đủ vào hầm chứa, nước đá tôi cũng mua tại cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh; hầm chứa thì cọ rửa vệ sinh thường xuyên. Sản phẩm đánh bắt lên là cho vào để ủ đá, bảo quản ngay nên đảm bảo luôn sạch, an toàn và giữ được độ tươi lâu hơn khi mang lên bờ”.

    Để nâng cao ý thức cho chủ tàu và ngư dân trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm thủy sản khai thác, tại cảng cá Trần Đề cũng đã lắp đặt các bảng quy định rõ về việc giữ gìn vệ sinh chung tại khu vực bốc dỡ hàng hóa qua cảng, cũng như các điều kiện đảm bảo tàu cá được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Tại khu vực cảng cũng có bố trí thùng chứa rác, được phân loại khác nhau như: Rác thải sinh hoạt, rác thải tái chế và rác thải nguy hại. Nhờ được đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nên hầu hết các chủ tàu và ngư dân đều chấp hành tốt các điều kiện về an toàn thực phẩm. Sản phẩm khai thác được chuyển từ hầm chứa lên cảng đều được rửa bằng nước sạch trước khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ. 

    Ngư dân Trần Quốc Trọng, cùng ngụ ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề cho biết thêm: “Khi tàu cập bờ, tôi cũng lót bạt dưới nền cảng rồi mới mang cá lên, không cho sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với mặt cảng. Cá khi phân loại xong cũng để vào khay gọn gàng, lên hàng xong tôi dọn dẹp lại cho sạch sẽ nền cảng. Làm như vậy sản phẩm mình sẽ vệ sinh hơn, khu vực cảng cũng sẽ hạn chế bị hôi, tanh”.

    Tính đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 336/338 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, đạt 99,4%. Mặc dù hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm rất đơn giản, nhưng trong số 10 chỉ tiêu đánh giá xếp hạng tàu cá đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thì có nhiều chỉ tiêu yêu cầu quá cao, như hầm bảo quản hải sản được làm bằng vật liệu chống ăn mòn, được bọc cách nhiệt, trong khi nghề biển ngày càng khó khăn, nên họ không có kinh phí để đầu tư. Ngoài ra, tiêu chí về quản lý và khám bệnh định kỳ cho các thuyền viên cũng chưa được các chủ tàu thực hiện, do đó hầu như tất cả các tàu cá đều xếp loại B về an toàn thực phẩm; định kỳ 12 tháng phải kiểm tra duy trì điều kiện, gây ảnh hưởng đến chi phí làm thủ tục hành chính cho người dân. 

    Hiện nay, Chi cục Thủy sản tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, phân loại và vận động chủ tàu ký cam kết, khẩn trương thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trên tàu cá. Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật bảo quản hải sản sau khai thác, nhằm nâng cao chất lượng hải sản cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm trên tàu cá; khuyến khích ngư dân khai thác vùng biển xa, thành lập các tổ hợp tác để tương trợ nhau trong quá trình khai thác, bảo quản và tiêu thụ hải sản.

    Đồng chí Quách Thị Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Hướng tới, Chi cục Thủy sản sẽ tập trung vào một số phần việc liên quan như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động dưới mọi hình thức để chủ tàu cá và ngư dân nhận thức rõ hơn thế nào là đảm an toàn thực phẩm cho tàu cá. Đồng thời, phối hợp tốt với cảng cá và Chi cục Thủy sản của các tỉnh để rà soát lại các tàu cá đang hoạt động ngoài tỉnh, nhằm đảm bảo công tác kiểm tra an toàn thực phẩm cho tàu cá được thực hiện thường xuyên, liên tục, đạt 100%. Chúng tôi cũng quan tâm tổ chức thêm các lớp tập huấn để người dân nâng cao hiểu biết, giúp họ vừa khai thác, vừa bảo quản được sản phẩm, đảm bảo an toàn, chất lượng theo hướng nhanh, lạnh, sạch, truy xuất được nguồn gốc. Có như thế, tàu cá mới có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), sản phẩm thủy sản khai thác của tỉnh cũng từ đó thuận lợi hơn trong xuất khẩu, khi cơ bản đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của quốc tế”. 

    Sóc Trăng là một tỉnh có nghề cá đang phát triển. Tính đến tháng 10/2022 toàn tỉnh có 998 tàu đánh bắt; trong đó, có 338 tàu cá có chiều dài lớn nhất 15m trở lên hoạt động khai thác thủy sản xa bờ, thời gian bám biển dài hơn. Với thế mạnh này, việc trang bị những kiến thức cần thiết về an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản khai thác là rất quan trọng. Điều này không chỉ nâng cao ý thức cho chủ tàu đánh bắt, mà quan trọng hơn là sẽ góp phần giảm tổn thất sau khai thác cho ngư dân, tạo điều kiện thuận lợi nhằm đảm bảo vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 54
  • Hôm nay: 3131
  • Trong tuần: 72,464
  • Tất cả: 11,866,491